CẤU TẠO VÀ NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG VÍT ME BI
Hiện nay, do tiến bộ của khoa học và công nghệ nên việc sản xuất, chế tạo vít me bi trở nên dễ dàng hơn. Việc tìm mua một bộ vít me bi tiêu chuẩn với giá vừa phải không còn là điều khó khăn. Tuy nhiên, việc hiểu biết và sử dụng về vít me bi tại Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Trên cơ sở Phân loại về vít me bi theo cấu tạo; Cơ sở tính toán vít me bi và Các tiêu chuẩn áp dụng cho vít me bi, tác giả đưa ra trình tự áp dụng cho việc xác định thông số cơ bản của bộ truyền vít me bi, áp dụng cho quá trình tính toán, thiết kế máy và thiết bị cơ khí.
Trên thế giới hiện có nhiều chủng loại vít me bi, có thể phân loại vít me bi theo các phương án sau:
Theo chiều ren:
Thông thường, kiểu ren mặc định (tiêu chuẩn) là ren phải.
Theo số đầu mối:
Ren một đầu mối được sử dụng rộng rãi hơn nhờ các yêu cầu công nghệ trong chế tạo không đòi hỏi cao, điều khiển chính xác vị trí dễ dàng hơn.
Theo kiểu hồi bi
Do tính công nghệ trong chế tạo, lắp ráp, căn chỉnh cao nên khi dùng cho máy công cụ, thiết bị đo lường chính xác cao thì rãnh hồi bi kiểu ống là loại phổ thông nhất hiện nay. Kiểu có rãnh hồi bi theo lỗ khoan trên đai ốc thường được sử dụng cho các tay máy, kết cấu không đòi hỏi độ chính xác cao.
Rãnh hồi bi giữa hai vòng ren kế tiếp
Kiểu hồi bi này được ứng dụng trong các máy, thiết bị không yêu cầu cao về cả độ chính xác lẫn tốc độ bộ truyền. Do các rãnh được bố trí theo chu vi nên việc chế tạo đai ốc sẽ khó khăn hơn.
Theo kiểu đặt tải trước
Đặt tải nhờ tấm đệm
Kiểu đặt tải trước nhờ tấm đệm giúp cho việc thay đổi tải đặt trước dễ dàng hơn, có thể điều chỉnh, tính công nghệ cao hơn nên thường đươc dùng trong bộ truyền máy cắt gọt và thiết bị đo lường hoặc thiết bị có độ chính xác cao.
Đặt tải nhờ hệ thống rãnh bi
Hai hệ thống rãnh bi được bố trí cách nhau khoảng α – tương đương với tấm đệm ở kiểu trên. Đai ốc loại này ít được sử dụng do khoảng α không điều chỉnh được, khó chế tạo.
Đặt tải nhờ lò xo
Đai ốc bi loại này ít được sử dụng do độ ổn định không cao. Lò xo có độ cứng nhỏ.
Đặt tải bằng tăng kích thước bi
Loại này các bi được chế tạo với kích thước nằm ở giới hạn trên và lớn hơn kích thước rãnh bi, giúp bi tì cả hai má của rãnh ren vít. Tính công nghệ kém, không điều chỉnh được nên loại này cũng ít được sử dụng
Theo cấp chính xác
Dựa trên khoảng dung sai độ chính xác vị trí lặp lại của đai ốc mà phân thành 6 loại cấp chính xác vít me bi: C0, C1, C3, C5, C7, C10. Theo đó, khoảng dung sai độ chính xác vị trí lặp lại của đai ốc có thể xác định bằng cấp chính xác và chiều dài đoan ren của trục vít me. Tùy theo yêu cầu sử dụng độ chính xác và kích thước dài trục vít mà chọn vít me có cấp chính xác phù hợp.
Theo phạm vi sử dụng
Yêu cầu độ chính xác cao (thường làm 1 trục của máy gia công cơ, thiết bị đo lường)
Không yêu cầu độ chính xác cao (thường làm tay máy, robot, thiết bị vận chuyển,...)
Có nhiều công thức tính toán cho vít me bi, quan trọng nhất là xác định tải tĩnh, tải động, độ cứng chống biến dạng đàn hồi cũng như tuổi bền làm việc của bộ truyền.
Dưới đây là bộ tiêu chuẩn áp dụng cho vít me bi được áp dụng phổ thông trên thế giới:
“ISO 3408-1-2006(E/F) Ball screw – Part1: Vocabulary and designation” - Tiêu chuẩn này chủ yếu để định nghĩa về các thông số của vít me bi
‘ISO 3408-2-1991(E) Ball screw – Part2: Nominal diameters and nominal – Metric series” – Tiêu chuẩn này dùng để quy định các kích thước thông dụng, phổ biến - hệ mét
“ISO 3408-3-2006(E) Ball screw – Part3: Acceptance conditions and acceptance tests” – Tiêu chuẩn này quy định điều kiện thử nghiệm và kiểm tra vít me bi
“ISO 3408-4-2006(E) Ball screw – Part4: Static axial rigidity” – Tiêu chuẩn này chủ yếu để xác định độ cứng của vít me bi
“ISO 3408-5-2006(E) Ball screw – Part5: Static and dynami axial load ratings and operational life” – Tiêu chuẩn này dùng để xác định tải động, tĩnh danh nghĩa và tuổi thọ của vít me bi
Hiện nay Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam là đơn vị đầu mối phát hành bộ tiêu chuẩn của ISO về vít me bi (ISO 3408) và chưa có bản dịch sang tiếng Việt.
Bình luận
Tin tức liên quan